"Đừng Nghe Những Gì Cộng Sản Nói Mà Hãy Nhìn Kỹ Những Gì Cộng Sản Làm" --Nguyễn Văn Thiệu -- Cố Tổng Thống Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam.

Saturday, August 27, 2011

Hà Nội ‘khinh thường lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam’

Phỏng vấn tổng bí thư đảng Việt Tân.

Ðinh Quang Anh Thái/Người Việt

Trong thời gian gần đây, công an tại Việt Nam đã bắt giữ một số người và cáo
buộc họ là đảng viên Ðảng Việt Tân; cùng lúc đó, báo chí Trung Quốc viết rằng "các thế lực người Việt ở nước ngoài đang muốn lật đổ chính quyền
cộng sản Việt Nam." Ông Lý Thái Hùng, tổng bí thư Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Ðảng (gọi tắt là Việt Tân) giải thích về những lời cáo buộc này
trong bài trả lời phỏng vấn của báo Người Việt.

Ðinh Quang Anh Thái (ÐQAT): Cách đây hơn một tháng, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao CSVN là bà Phương Nga
nói rằng: "Ðảng Việt Tân đang lợi dụng tình hình căng thẳng để kích động nhân dân Việt Nam có những hành vi chống nhà nước"; xin nghe ý kiến của ông Hùng về lời tuyên bố này của bà Nga?
Ông Lý Thái Hùng (LTH): Thưa anh, có thể nói ngay rằng tuyên bố của bà Phương Nga có 2 điểm cần làm sáng tỏ.

Trước
hết, chỉ có tình hình căng thẳng giữa Bắc Kinh và nhân dân Việt Nam chứ
không hề có sự căng thẳng giữa lãnh đạo Trung Cộng và Việt Cộng.
Vì rõ ràng Hà Nội vẫn tiếp tục tụng niệm 16 chữ vàng; tiếp tục cho
các khu biệt lập của người Hoa mọc lên trên khắp đất Việt, kể cả những
vùng mang tính chiến lược quân sự như cao nguyên Trung phần và dọc theo
biên giới; tiếp tục dâng nhượng từ lãnh thổ đến khoáng sản và quyền lợi
kinh tế của Việt Nam. Hơn thế nữa, Hà Nội còn đang thay mặt Bắc Kinh
trấn áp lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam.
Ðiểm thứ nhì là dù có hay không có sự xâm lấn của Trung Quốc, chúng
tôi vẫn cố sức trình bày căn nguyên của tình trạng tụt hậu cùng các quốc nạn hiện nay; và đã cố sức cùng dân tộc đấu tranh để tháo gỡ xiềng xích độc tài đang trói buộc tiềm năng canh tân của dân tộc. Nay với tình
trạng ngoại bang xâm lấn trong lúc sức lực của đất nước quá yếu sau bao
thập niên tụt hậu và những kẻ cai trị lại thông đồng với kẻ thù, nỗ lực
đấu tranh lại càng cấp bách để lấy lại sức của dân tộc cho nỗ lực bảo vệ đất nước.
Do đó, những kiểu nói Việt Tân kích động nhân dân Việt Nam làm bất cứ chuyện gì đều chỉ cho thấy sự khinh thường của người nói câu đó đối với trí tuệ và lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam chúng ta.
Lãnh đạo đảng CSVN không phải là những kẻ cai trị đầu tiên trong lịch sử Việt Nam chủ trương dâng nhượng đất nước để được yên thân, để được
tiếp tục ngồi ghế cai trị. Nhưng dân tộc chúng ta chưa bao giờ chấp nhận điều đó và sẵn sàng hy sinh ngay cả xương máu để giữ gìn tiền đồ cha
ông cho các thế hệ con cháu tương lai.
Truyền thống yêu nước của người Việt Nam đang hiện lên ngày hôm nay.
Hơn ai hết, lãnh đạo CSVN biết rõ sức mạnh của lòng yêu nước đó. Nay họ
đang lo sợ và cố gắng tạo chia rẽ để những người yêu nước không thể kết
hợp lại và không lan rộng ra được với những người chung quanh.
ÐQAT: Lý do nào Hà Nội cứ đổ cho Việt Tân như
thế mà không nhắm vào các tổ chức đảng phái khác đang hoạt động ở tại
Việt Nam hay hải ngoại?
LTH: Thưa anh, các hoạt động của đảng viên Ðảng Việt Tân ở trong và ngoài nước đã và đang tạo nhiều sức ép lên chế độ Hà Nội nên CSVN phải phản công. Ðặc biệt lý do khiến đảng Việt Tân bị CSVN thù hằn nhất, là nỗ lực quảng bá phương pháp Ðấu Tranh Bất Bạo Ðộng đến mọi cá nhân, đoàn thể muốn đem lại những đổi thay tích cực trên đất nước mà vẫn tránh đổ máu và tàn phá. Sau khi thấy sức mạnh và kết quả của cuộc
cách mạng Hoa Lài tại Bắc Phi, lãnh đạo Hà Nội lại kéo chúng tôi ra dán
nhãn, từ "khủng bố" đến "phản động" rồi "kích động." Tôi nghĩ đó cũng là điều dễ hiểu thôi.
ÐQAT: Một mặt trong nước thì Việt Tân bị nhà cầm quyền kết tội "kích động nhân dân Việt Nam chống nhà nước," mặt khác, ở hải ngoại lại có dư luận cho rằng Việt Tân "chống đối cuội," "đi đêm
với đảng cộng sản để tạo đối lập giả"; ông giải thích như thế nào về hai cáo buộc trái chiều này?
LTH: Nếu tìm hiểu sâu vào chi tiết, hai luận điệu có vẻ trái ngược đó đều xuất phát từ một nguồn, đó là chế độ CSVN. Khi sử
dụng 2 luận điệu đó, CSVN trông cậy vào tình trạng độc quyền và bưng bít thông tin trong nước cũng như hiện tượng theo dõi hời hợt và khẳng định vô tội vạ của một số người tại hải ngoại.
Nhưng chúng tôi tin những hoạt động của Ðảng Việt Tân trong 30 năm
vừa qua, và những hy sinh mà các đảng viên Việt Tân ở mọi cấp đang dâng
hiến cho đất nước đủ để minh chứng sự thành tâm và lòng quyết tâm của
chúng tôi trong nỗ lực tranh đấu vì tương lai của dân tộc.
Ðiều đáng mừng là bất kể những đòn phép dán nhãn, hù dọa của CSVN
trong những năm qua, chúng tôi vẫn tiếp tục mở rộng được vòng cảm thông
và hợp tác tích cực với nhiều cá nhân và lực lượng ở trong và ngoài
nước.
ÐQAT: Có người nhân cách đứng đắn, lập trường chống Cộng rất quyết liệt nhưng vẫn cứ dè dặt và e ngại Việt Tân, ông nghĩ sao?
LTH: Có thể những vị này không có điều kiện biết rõ
những chủ trương và hoạt động của Ðảng Việt Tân và có thể chỉ nghe qua
những xuyên tạc, vu cáo từ CSVN hay từ một số người đã có sẵn những
thành kiến đối với chúng tôi nên dè dặt và e ngại. Tuy nhiên, qua kinh
nghiệm hoạt động trong thời gian qua, nếu có điều kiện tiếp xúc và trao
đổi với những vị nói trên, đa số chúng tôi đều có thể giải tỏa mọi e
ngại hay những thắc mắc của họ đối với các nỗ lực của Ðảng Việt Tân.
ÐQAT: Tờ Thế Giới Tân Văn của Trung Quốc mới đây đăng bài viết tựa đề "Ai kích động biểu tình chống Trung Quốc tại Việt
Nam" và cho rằng "sau các cuộc biểu tình là bóng dáng của Mỹ" và "các
thế lực người Việt ở nước ngoài"; theo nhận định của ông thì tại sao cả
hai chế độ cộng sản Hà Nội lẫn Bắc Kinh đều đồng thanh hô hoán như thế
vào thời điểm này?
LTH: Thưa anh, từ sau Hội Nghị Thành Ðô tại Trung
Quốc hồi tháng 10 năm 1990, lãnh đạo đảng CSVN đã và đang đi theo mọi sự điều hướng của Bắc Kinh. Do đó, người ta không ngạc nhiên về thái độ
"hèn với giặc - ác với dân" của lãnh đạo Hà Nội trong suốt nhiều thập
niên qua về vấn đề Biển Ðông và đặc biệt là sự hung hãn của công an đối
với các đoàn biểu tình từ đầu tháng 6 đến nay. Trên căn bản đó, báo lề
phải của cả 2 chế độ ca cùng một bài bản là điều dễ hiểu.
Nhưng mặt khác, hiện tượng Trung Quốc phải cho báo đài của họ nhập
cuộc cũng cho thấy Trung Quốc bắt đầu lo ngại về khả năng và ý chí trấn
áp của lãnh đạo CSVN, cụ thể như cái lệnh cấm biểu tình không ai dám ký
của UBND Hà Nội vào tuần trước.
ÐQAT: Cám ơn ông đã trả lời phỏng vấn của Người Việt.

Friday, August 26, 2011

Trung Quốc thay đổi lãnh đạo vùng Tây Tạng

Trong bản tin công bố vào hôm qua, 25/08/2011, Tân Hoa Xã Trung Quốc cho biết là Bí thư Đảng ủy Tây Tạng vừa bị thay thế.
Năm nay 60 tuổi, ông Trương Khánh Lê đã phải nhường chức lãnh đạo vùng
tự trị này cho ông Trần Toàn Quốc, 55 tuổi, cho đến nay là tỉnh trưởng
tỉnh Hà Bắc.
Hãng tin Trung Quốc không cho biết lý do ông Trương Khánh Lê bị thay thế, chỉ nói rằng nhân vật này sẽ được bổ nhiệm vào một chức vụ
khác. Tuy nhiên, giới phân tích đã lồng việc thay đổi lãnh đạo vùng
Himalya trọng yếu này vào  bối cảnh cuộc chạy đua tranh giành quyền lực
trước Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm tới 2012, sẽ bầu ra ê kíp lãnh đạo mới tại Bắc Kinh.
Tên tuổi ông Trương Khánh Lê gắn liền với một chiến dịch đàn áp người Tây Tạng dữ dội nhất từ hàng chục năm nay. Ông là bí thư Tây Tạng vào
năm 2008, khi bạo lực bùng lên tại thủ phủ Lhasa, với những vụ xung đột
dữ dội giữa các tu sĩ Phật giáo Tây Tạng với lực lượng an ninh Trung
Quốc. Bạo động sau đó đã lan ra khắp các vùng ở Trung Quốc nơi có người
Tây Tạng sinh sống.
Chiến dịch đàn áp do ông Trương Khánh Lê giám sát nhắm vào cộng đồng
sắc tộc Tây Tạng từ lúc đó cho đến nay được xem là rất khốc liệt. Phát
biểu với hãng tin Pháp AFP, bà Kate Saunders, phát ngôn viên nhóm đấu
tranh cho người Tây Tạng International Campaign for Tibet, tố cáo : «
Trương Khánh Lê là người chủ trì việc áp đặt  cuộc đàn áp nghiêm trọng
nhất ở Tây Tạng trong hơn 40 năm qua, và vẫn tiếp tục duy trì một chính
sách vốn đã thất bại trong việc mang lại ổn định cho Tây Tạng. »
Tây Tạng đã bị Trung Quốc chiếm đóng và sát nhập từ đầu thập niên
1950. Như tại các vùng thiểu số khác, Bắc Kinh đã áp dụng ở đây một
chính sách « Hán hóa » có hệ thống. Nhiều người Tây Tạng vẫn phẫn nộ về
điều mà họ cho là ách thống trị ngày càng tăng của người Hán của Trung
Quốc, và tố cáo chính quyền tìm cách xóa nhòa văn hóa Tây Tạng.
Trung Quốc ngược lại khẳng định nhờ cố gắng của chính quyền, mức sống người Tây Tạng đã được cải thiện đáng kể trong những thập kỷ gần đây.
Đối với bà Kate Saunders, việc ông Trương Khánh Lê bị thay thế không
dự báo bất kỳ thay đổi nào trong chính sách của Trung Quốc đối với Tây
Tạng. Cả hai lãnh đạo cũ và mới của vùng tự trị này đều là người Hán.

Bắc Kinh chỉ trích báo cáo của Mỹ về bộ máy quân sự Trung Quốc

Bộ Quốc
phòng Trung Quốc, hôm nay, 26/08/2011, lên tiếng bác bỏ những nhận định « không có cơ sở » của Lầu năm góc trong bản báo cáo hàng năm về quốc
phòng Trung Quốc. Trong bản thông cáo được gửi tới AFP, phát ngôn viên
bộ Quốc phòng Trung Quốc cho rằng việc Trung Quốc phát triển quân đội và hiện đại hóa hệ thống vũ khí khí tài là bình thường, giống như mọi quốc gia khác.
Theo Bắc Kinh, bản báo cáo hàng năm của bộ Quốc phòng Mỹ gửi
Quốc hội lưỡng viện Hoa Kỳ, hôm thứ tư, 24/08/2011, đã « phóng đại cái
gọi là » những đe dọa của Trung Quốc đối với Đài Loan, cho dù ngân sách
quốc phòng của Trung Quốc tiếp tục tăng cao trong năm 2011.
Hôm qua, 25/08, Tân Hoa Xã đã tố cáo Hoa Kỳ can thiệp vào công việc
nội bộ của Trung Quốc, « bóp méo các sự việc » và chuyển tải những « dự
đoán không cơ sở ».
Trong bản báo cáo dày 94 trang, bộ Quốc phòng Mỹ nhận định rằng Bắc
Kinh đã tăng cường các phương tiện tấn công nhắm vào Đài Loan và « hiện
đại hóa mạng lưới vũ khí hạt nhân » qua việc trang bị những vũ khí mới.
Mặt khác, bản báo cáo cho rằng « sự biến đổi các lợi kinh tế và
địa-chính trị đã làm thay đổi cơ bản nhãn quan của Trung Quốc về sức
mạnh hải quân của mình ».
Lầu năm góc khẳng định là Trung Quốc đang tìm cách phát triển tên lửa đối hạm có khả năng tấn công hàng không mẫu hạm, cải tiến hệ thống
radar, mở rộng hạm đội tàu ngầm tấn công và củng cố hạm đội tàu chiến.
Theo các chuyên gia quân sự, quân đội Trung Quốc luôn giữ bí mật các
chương trình quân sự của mình, được đầu tư nhiều trong những năm qua,
nhờ có sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, khoảng 10% mỗi năm. Qua việc
tăng liên tục chi phí quốc phòng, Trung Quốc muốn hiện đại hóa bộ máy
quân sự, rút ngắn khoảng cách chênh lệch với quân đội Mỹ và Nga.
Trong kế hoạch hiện đại hóa quân đội, Trung Quốc tiến hành chế tạo
máy bay ném bom tiêm kích tàng hình J-20 mà Bắc Kinh hy vọng đối chọi
với loại tiêm kích tàng hình F-22A Raptor của không quân Mỹ, chương
trình đóng hàng không mẫu hạm. Ngày 10/08 vừa qua, Trung Quốc cho chạy
thử chiếc tàu sân bay đầu tiên.
Đầu tháng Tám, Bắc Kinh đã tỏ thái độ « bất bình mạnh mẽ » trước việc chính quyền Nhật Bản quan ngại các tham vọng quân sự của Trung Quốc.
Việc Trung Quốc phát triển bộ máy quân sự diễn ra trong bối cảnh Bắc
Kinh ngày càng có thái độ độc đoán khẳng định chủ quyền của mình trong
các khu vực có tranh chấp ở Biển Đông, đã buộc một số nước liên quan như Việt Nam, Philippines cũng phải gia tăng đầu tư, hiện đại hóa hệ thống
vũ khí, khí tài của mình.

Saturday, August 20, 2011

‘Chúa dẫn tôi đi, Chúa sẽ đưa tôi về’

Thursday, August 18, 2011 6:17:49 PM

Phỏng vấn Linh Mục Nguyễn Văn Khải
Nam Phương/Người Việt.

LTS: Linh Mục Nguyễn Văn Khải, 41 tuổi, nguyên là phát ngôn viên của Dòng Chúa
Cứu Thế ở Thái Hà, Hà Nội. Người ta được biết linh mục qua các cuộc
phỏng vấn của báo chí, các đài phát thanh quốc tế về công cuộc đấu tranh của giáo xứ Thái Hà đòi lại tài sản và công lý cho giáo hội. Bởi vậy,
ngài là đối tượng của nhiều đe dọa và cũng là đối tượng để hệ thống báo
chí tuyên truyền của nhà cầm quyền CSVN bôi nhọ, vu khống.
Cách đây một năm, ngài đã rời Việt Nam sang Roma du học theo sự sắp đặt từ lâu nhưng cũng đã phải đi rất khó khăn.
Nhân dịp LM Nguyễn Văn Khải sang
quận Cam thăm viếng, Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển (BPSOS) tổ chức một cuộc gặp gỡ và nói chuyện của ngài với quí lãnh đạo các tôn giáo, lãnh đạo
các cộng đồng, hội đoàn, các cơ quan truyền thông và đồng hương người
Việt Nam. LM Nguyễn Văn Khải dành cho phóng viên Nam Phương của nhật báo Người Việt cuộc phỏng vấn dưới đây.

Nam Phương (NP): Thưa linh mục, linh mục sang Roma từ bao giờ?
LM Nguyễn Văn Khải (NVK): Thưa ông, tôi sang Roma từ tháng 7 năm 2010.
NP: Lý do chính linh mục sang bên đó là được học bổng du học, hay bị áp lực nào đó?
LM NVK: Xin thưa là các đấng bề trên trong Dòng Chúa Cứu Thế đã có kế hoạch gửi tôi đi du học từ lâu. Vì nhiều lý do cho nên đến thời điểm này dự định ấy mới được thực hiện.
NP: Nhà cầm quyền Việt Nam có biết linh mục có kế hoạch đi du học không?
LM NVK: Tôi nghĩ là không. Vì năm 1999 công an Sài
Gòn đã thu hộ chiếu của tôi và cấm tôi xuất cảnh. Công an tỉnh Ninh Bình quê tôi khi ấy nói tôi sinh ra trong vùng đất 'phản động' là Phúc Nhạc, là con tinh thần của một linh mục 'phản động' là cha Giuse Vũ Quang
Ðiện, giáo phận Phát Diệm, lại đi tu "chui". Tôi đã phải chuyển hộ khẩu
vào Nam ra Bắc, làm lại chứng minh nhân dân rồi sau 9 năm mới làm được
hộ chiếu kín đáo dưới tư cách là sinh viên. Khi ra đi cũng kín đáo. Chỉ
có các cha bề trên và tôi biết. Các cha khác trong dòng và ngay bố mẹ
tôi cũng không biết. Chúng tôi nghĩ nếu bên an ninh biết thì họ sẽ ngăn
chặn. Vì vậy chúng tôi phải kín đáo sang Thái Lan qua ngả Lào bằng đường bộ. Rồi từ đấy sang Roma.
NP:Như vậy khi hết thời hạn du học linh mục có thể về Việt Nam được không? Người ta có cản được không?
LM NVK: Tôi là công dân Việt Nam, tôi phải về Việt
Nam sống và làm việc. Ai, cơ quan nào ngăn chặn tôi, người ấy vi phạm
pháp luật, vi phạm nhân quyền. Nhà cầm quyền cộng sản có thể ngăn cản
tôi về nếu họ muốn. Nhưng tôi đi là để về. Tôi quyết tâm về. Tôi có kinh nghiệm này. Nhà cầm quyền cấm tôi tu, Chúa muốn, tôi vẫn tu được: "Tu
chui". Nhà cầm quyền cấm tôi học thần học, Chúa muốn tôi vẫn học được:
"Học chui". Nhà cầm quyền cấm tôi chịu chức linh mục, Chúa muốn tôi vẫn
chịu chức được: "Chịu chức chui". Nhà cầm quyền không muốn tôi xuất
cảnh, Chúa muốn, tôi vẫn đi được. Ði kín đáo. Chúa dẫn tôi đi, Chúa sẽ
đưa tôi về. Chúa đã muốn thì không ai có thể ngăn cản được.
NP:Nhà cầm quyền Việt Nam luôn đổ tội cho các
tu sĩ và mọi người họ không đồng quan điểm là "phản động", có phải cái ý nghĩa mà nhà cầm quyền dùng nó khác với ý nghĩa mà người dân thường
hiểu?
LM NVK: Ðúng là như thế. Nhà cầm quyền coi mọi người làm tổn hại cho sự thống trị độc tài của họ, mọi người yêu nước thương
dân và phản đối chính sách lãnh đạo phản dân hại nước của họ đều bị họ
chụp mũ cho là "phản động". Thực ra, nếu hiểu đúng nghĩa của từ ngữ này, hiểu phản động là đi ngược lại xu hướng tiến bộ, đi ngược lại trào lưu
phát triển tất yếu theo quy luật của tự nhiên, của thời đại, thì nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam hiện nay mới đúng là phản động nhất. Hơn nữa
còn là một chế độ phản dân hại nước. Những người yêu nước, thương dân,
dấn thân cho dân chủ, cho tự do, cho quyền con người, đặc biệt là cho tự do tôn giáo không "xứng đáng" nhận cái tên gọi mà thực tế và bản chất
thuộc về nhà cầm quyền cộng sản.
NP: Trên thực tế linh mục có tin rằng đang có sự đối lập thực sự giữa nhà cầm quyền và dân chúng? Bởi vì nhà cầm quyền
thì muốn một tuyệt đại đa số quần chúng ngoan ngoãn vâng lời, trong khi
người dân chống lại một chế độ làm rất nhiều điều ngược lòng dân?
LM NVK: Vâng. Cũng như ông. Tôi tin rằng có sự đối
lập thật sự giữa nhà cầm quyền và dân chúng. Một sự đối lập rất lớn, rất gay gắt. Một sự đối lập tất yếu dẫn đến bùng nổ.
NP: Dường như nỗi sợ hãi của người dân ở Việt
Nam còn rất lớn nên dù biết có áp lực, bất công mà xã hội cũng không
thấy thay đổi? Làm thế nào vượt thoát được sự sợ hãi?
LM NVK: Ðúng là nỗi sợ hãi của nhiều người còn rất
lớn. Vì bạo lực và tuyên truyền dối trá của cộng sản trong những năm qua trên người dân là rất lớn. Tuy nhiên, thực sự tôi thấy xã hội đang thay đổi. Trong mấy năm gần đây sự thay đổi diễn ra nhanh hơn. Càng ngày
càng có nhiều người yêu nước thương nòi, đã vượt qua nỗi sợ hãi, dấn
thân cho tự do, dân chủ, cho công lý và sự thật. Ðể vượt qua nỗi sợ hãi
như chúng tôi thấy, trên hết mọi sự, thứ nhất cần phải có một lòng tin
mãnh liệt vào Chúa Trời và lý tưởng tốt đẹp mà mình dấn thân. Thứ hai
cần phải có một lòng mến dạt dào đối với con người, đối với quê hương
đất nước. Niềm tin và tình yêu lớn sẽ làm cho người ta vượt qua nỗi sợ
hãi và kiên trì dấn thân dù có phải chịu hy sinh. Hơn nữa khi chúng ta
biết hiệp thông, liên đới, nối kết với nhau, cùng nhau dấn thân, thì
người ta dễ vượt qua nỗi sợ hãi hơn.
NP: Xin cảm ơn linh mục đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này!

Friday, August 19, 2011

Hồng Kông: Biểu Tình Chống Phó Thủ Tướng

Hồng Kông: Biểu Tình Chống Phó Thủ Tướng
Cảnh sát Hồng Kông đã ngăn
cản những người biểu tình đang cầm biểu ngữ đòi trả tự do cho các nhà
bất đồng chính kiến bên ngoài tòa nhà công quyền, nơi Phó Thủ Tướng TQ
Li Keqiang tới thăm để khánh thành trụ sở mới tại Hồng Kông hôm
18-8-2011. Họ Li sẽ thăm Hồng Kông 3 ngày. Đây là một dấu hiệu cho thấy
họ Li sẽ trở thành một thế hệ cầm quyền mới. (Photo AFP/Getty Images)

Chính quyền Hà Nội ra lệnh ngưng biểu tình chống Trung Quốc

Chính quyền Hà Nội yêu cầu chấm dứt các cuộc biểu tình chống Trung Quốc
viện dẫn lý do các thế lực thù địch đang lợi dụng tình hình để tiến hành các hoạt động chống lại nhà nước.

Theo chính quyền, 10 cuộc tuần hành chống Trung Quốc diễn ra trong 11 tuần qua ở Hà Nội gây mất trật tự xã hội và làm phương hại đến bang
giao Việt- Trung. Thông báo ngày 18/8 của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà
Nội cảnh cáo sẽ áp dụng "mọi biện pháp cần thiết" đối với những người
không chấp hành.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một trong những nhân
sĩ trí thức góp mặt thường xuyên trong các cuộc biểu tình chống Trung
Quốc, phản hồi:
"Thông báo như thế chưa nói đến mặt nội dung, về mặt hình thức,
mặt pháp luật đã không ổn. Văn bản thông báo nói là của UBND TP Hà Nội
mà không có chữ ký của ai cả, thì văn bản đấy không có một chút hiệu lực pháp lý nào. Xét về nội dung của thông báo, có một số điểm rất không
ổn. Họ vin vào lý do là người biểu tình gây mất trật tự an toàn giao
thông. Trong ít nhất 7 lần trực tiếp tham dự, tôi thấy những người tham
gia biểu tình rất trật tự, không gây cản trở giao thông. Người ta nói
rằng những người tham gia biểu tình không có thông tin, ngộ nhận, bị thế lực này thế lực kia lợi dụng. Không có một thế lực nào có thể 'lợi
dụng'họ được cả. Người ta làm việc biểu tình như vậy rất là tuân thủ
pháp luật hiện hành của nước CHXHCN Việt Nam, và sẽ dùng tất cả các biện pháp hợp pháp có thể để buộc tất cả những ai vi phạm pháp luật phải
thực hiện đúng theo pháp luật."
Hồi đầu tháng, người đứng đầu ngành công an Hà Nội, Trung ướng Nguyễn Đức Nhanh, khẳng định chủ trương của chính quyền là vận động để giải
tán người biểu tình chứ không đàn áp hay bắt bớ.
Bà Bùi Minh Hằng, một người tích cực đi đầu trong các cuộc tuần hành vừa qua, cho biết:
"Chúng tôi đã tổ chức lấy chữ ký của số đông những người tham gia các cuộc tuần hành yêu nước trong những đợt vừa qua để gửi kiến nghị
lên cấp lãnh đạo. Tinh thần của những người tuần hành chống Trung Quốc
và những người yêu nước chúng tôi đã được khẳng định bằng cuộc họp báo
của trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, người phụ trách an ninh trật tự trên
địa bàn thành phố Hà Nội, rằng xuống đường biểu tình chống Trung Quốc là hành động yêu nước. Hoàn toàn không có một thế lực nào tác động hay xúi bẩy."
Giáo sư Carl Thayer thuộc trường Đại học New South Wales của
Austalia, một chuyên gia chuyên nghiên cứu về Việt Nam, cho rằng chính
quyền Hà Nội tìm cách xoa dịu tình hình trước khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng của Việt Nam công du Trung Quốc:
"Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam sẽ đi Trung Quốc vào cuối
năm nay. Chúng ta sẽ thấy chính phủ [Việt Nam] tìm cách xoa dịu tình
hình khi nào lịch trình chuyến đi được xác định, cũng giống như việc
phóng thích một nhân vật bất đồng chính kiến nào đó để tìm cách đạt được một điều gì từ chính phủ Hoa Kỳ."
Khác với các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội, các cuộc tuần
hành tương tự tại Sài Gòn đã bị dập tắt ngay sau 2 tuần đầu tiên vào đầu tháng 6.
VoaNews/Vietnamese
Thứ Sáu, 19 tháng 8 2011

Bản án của 4 nhà hoạt động đất đai ở Bến Tre bị quốc tế lên án

VoaNews.Com/Vietnamese

Thứ Sáu, 19 tháng 8 2011


Quốc tế lên án các bản án dành cho các nhà hoạt động đất đai ở Bến Tre là vi phạm nhân quyền dù tòa phúc thẩm có giảm án cho 2 trong số 4 người kháng cáo
Phiên tòa phúc thẩm xét kháng cáo của 4 nhà tranh đấu cho quyền lợi đất đai diễn ra ngày 18/8/2011 tại Bến Tre.
Bản án 8 năm tù của bà Trần Thị Thúy và bản án 7 năm tù của ông Phạm Văn Thông bị giữ nguyên. Mục sư Dương Kim Khải được giảm án 1 năm, còn 5 năm tù, và ông Cao Văn Tỉnh được giảm 6 tháng, còn 4 năm rưỡi tù giam.
Luật sư Nguyễn Quốc Đạt, người bảo vệ cho các bị can trong cả hai phiên sơ và phúc thẩm, cho biết:
"Trong 4 người kháng cáo có 2 người kêu oan: bà Trần Thị Thúy và ông Phạm Văn Thông. Ông Cao Văn Tỉnh và Dương Kim Khải làm đơn kháng cáo, nhưng xin giảm nhẹ hình phạt và được hưởng chính sách khoan hồng. Ra tòa, bị cáo Tỉnh và Khải diễn biến theo hướng ăn năn hối cải, nhằm hưởng được sự khoan hồng. Vì vậy, hai bị cáo này được giảm án. Tôi thấy phiên tòa phúc thẩm cũng không có gì thay đổi so với phiên sơ thẩm cả. Tôi cũng lấy làm thất vọng về mức án."
Hoa Kỳ và giới bảo vệ nhân quyền quốc tế, trong đó có tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch, lên án việc bỏ tù các nhà hoạt động đòi quyền lợi đất đai này.
Ông Phil Robertson, Phó giám đốc phụ trách Châu Á thuộc tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch phát biểu:
"Bản án này rõ ràng bất công, vi phạm nhân quyền, vi phạm công ước LHQ về quyền dân sự và chính trị của công dân mà Việt Nam đã ký kết. Đáng tiếc là chính quyền Hà Nội không nghiêm túc tôn trọng các cam kết nhân quyền với quốc tế. Chúng tôi sẽ tiếp tục bày tỏ quan ngại với các đối tác của VN, các quốc gia cũng như các tổ chức quốc tế, để thúc đẩy họ yêu cầu VN phải trả tự do cho những người hoạt động ôn hòa."
Bốn nhân vật này bị tuyên án hồi tháng 5 về tội danh "âm mưu lật đổ chính quyền" cùng với ba nhà hoạt động khác bị lãnh 2 năm tù nhưng không kháng cáo là ông Nguyễn Thành Tâm, ông Nguyễn Chí Thành, và Phạm Ngọc Hoa vì dính líu tới Đảng Việt Tân ở hải ngoại và một giáo hội Tin Lành không được nhà nước công nhận.